11

Du lịch miền Tây luôn thu hút du khách bởi những miệt vườn xanh tươi, trĩu quả, những con đường làng rợp bóng cây xanh, những đặc sản ẩm thực miền sông nước, những ngôi chùa cổ, những lễ hội văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, những công trình kiến trúc cổ xưa… Có một địa điểm sở hữu tất cả những yếu tố đó cách không xa TP. Hồ Chí Minh. Đó là huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Hãy cùng Tourista khám phá nhé!

Cầu Kè nằm ở đâu?

Cách TP. Hồ Chí Minh tầm 150km và cách Ao Bà Om, trung tâm TP. Trà Vinh tầm 40km về hướng Sóc Trăng, Cầu Kè là điểm đến kết hợp rất thú vị cho hành trình khám phá miền Tây của bạn.

Đường vào chùa Cành Đa rất đẹp và bình yên

Về tên gọi Cầu Kè, theo lời kể của những vị cao niên thì vùng đất chằng chịt kênh rạch được kết nối với nhau bằng những chiếc cầu bằng gỗ cây Kè. Cái tên địa danh thôi nghe cũng rất địa phương và thu hút sự hiếu kỳ của du khách. Có thể liên tưởng đến nhiều địa danh nổi tiếng khác ở miền Tây như Cồn Chim, Cồn Hô, Cái Bè, Cái Răng…

Có gì hấp dẫn ở đây?

Cầu Kè được mệnh danh là “thủ phủ dừa sáp”, xuất hiện từ những năm 1960. Nếu bạn là tín đồ của món này nhất định phải một lần đến quê hương của nó để thưởng thức tận gốc nhé. Hiện nay còn có sản phẩm kẹo dừa sáp rất nổi tiếng.

Vườn dừa rất đẹp mắt ở SokFarm, huyện Tiểu Cần – trên đường đến Cầu Kè

Về du lịch miệt vườn, sông nước, ẩm thực thì không thể không nhắc đền cù lao Tân Quy, nơi giáp ranh với Sóc Trăng và Vĩnh Long trên dòng sông Hậu. Xứ cù lao này có những vườn trái cây sum suê, trĩu quả, xanh mát như chôm chôm, măng cụt, mít… không thua kém bất kỳ miệt vườn nổi tiếng nào ở miền Tây như Bến Tre, Vĩnh Long hay Cần Thơ.

Ngoài ra Cầu Kè cũng dành cho những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc bản địa, tâm linh, tín ngưỡng. Đến Cầu Kè bạn có dịp chiêm ngưỡng những ngôi chùa Khmer trầm mặc, cổ kính nằm giữa những rừng cây cổ thụ xanh mát, cùng những ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng của cộng đồng người Hoa và cả những ngôi nhà cổ rất đẹp mang nét kiến trúc giao thoa Đông Tây…

Kiến trúc chùa Khmer nổi bật giữa những những cây xanh cổ thụ luôn được cộng đồng người Khmer trân quý, bảo vệ
Nhà cổ Huỳnh Kỳ với kiến trúc kết hợp Đông Tây rất đẹp

Bên cạnh đó là sự đa dạng sắc màu lễ hội tâm linh tín ngưỡng càng làm cho vùng đất này thêm phần huyền bí, quyến rũ như lễ hội Ông Bổn, Vu Lan Thắng Hội của cộng đồng người Hoa, lễ hội Chol Chnam Thmay và lễ hội Ok Om Bok của cộng đồng người Khmer…

Lễ hội Ông Bổn và những nghi thức rất linh thiêng của cộng đồng người Hoa

Cuối cùng là du lịch về nguồn với di tích đền thờ chị Út Tịch và những vị anh hùng đội quân tóc dài đã hy sinh cho vùng đất Nam Bộ này. Nhắc đến nữ anh hùng Út Tịch sẽ không ai không nhớ câu nói nổi tiếng của chị: “Nó đánh mình, mình đánh nó” hay “đánh còn cái lai quần cũng đánh”…

Đền thờ nữ anh hùng chị Út Tịch với tượng đài Người mẹ cầm súng bất diệt

Cuối cùng và có lẽ là nét nổi bật đã thành thương hiệu của du lịch miền Tây đó là những người nông dân hiền lành, thân thiện, hiếu khách, hào sảng… đúng chất người miền Tây Nam Bộ. Hãy một lần đến Trà Vinh, về thăm Cầu Kè, để cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất rất lành này nhé! Ngoài ra Quý khách có thể tham khảo Chương trình du lịch đang rất HOT: Trà Vinh – Cồn Hô – Cồn Chim (2N1Đ).

Leave a Reply