11

Chợ nổi là loại hình sinh hoạt buôn bán đặc trưng từ lâu đời của người dân sông nước miền Tây. Ngày nay chợ nổi trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước vì nét độc đáo đặc trưng văn hóa vùng miền. Đến miền Tây mà chưa đặt chân xuống thuyền đi tham quan chợ nổi thì xem như chưa đi miền Tây. Trước đây miền Tây có rất nhiều chợ nổi lớn, quy tụ “thương hồ” từ khắp các nơi đến mua bán như: Cái Răng, Phụng Hiệp, Cái Bè, Ngã Năm, Trà Ôn, Long Xuyên, Cà Mau… Nhưng ngày nay, khi đến du lịch miền Tây, bạn sẽ ít thấy chợ nổi hơn vì sự thay đổi của thói quen tiêu dùng người dân mà những người lái buôn phải bán ghe xuồng để lên đất liền tìm kế sinh nhai mới hoặc chuyển đến những khu chợ khác. Tourista xin giới thiệu đến bạn 3 khu chợ nổi còn hoạt động sung túc, nhộn nhịp nhất miền Tây mà bạn có thể khám phá ngay.

Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang

Được hình thành từ thế kỉ thứ XVIII, chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang sớm có tiếng tăm cả về thương mại lẫn du lịch. 

Toàn cảnh đoạn sông chợ nổi Cái Bè góc nhìn từ ngôi nhà thờ cổ Cái Bè

Nếu có dịp đến du ngoạn chợ nổi Cái Bè thì bình minh chính là thời gian thích hợp nhất. Đây được xem là thời điểm đông đúc và đẹp nhất ở chợ nổi với rất nhiều hoạt động nhộn nhịp. Ngồi trên thuyền, du khách có thể vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức ngay những tô hủ tiếu nóng hổi hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng.

Hiện nay quy mô chợ nổi Cái Bè không còn được như xưa. Tuy nhiên bà con nơi đây và du lịch Tiền Giang vẫn cố gắng giữ được bản sắc, là điểm nhấn cho những chuyến tham quan của du khách nên chợ nổi vẫn còn tồn tại.

Những chiếc ghe buôn không còn tấp nập như xưa nữa (Ảnh: @nhannt98)

Ngoài chợ nổi, Cái Bè vốn mang một vẻ đẹp đậm chất thôn quê, thấm đẫm chất miệt vườn. Bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của đời sống buôn bán, Cái Bè vẫn giữ được vẻ nên thơ với những kênh rạch và vườn cây ăn trái xanh mướt ngút tầm mắt hay những làng nghề thủ công truyền thống và những ngôi nhà cổ kính mang tính văn hóa lịch sử của vùng. Bởi vậy, nếu có dịp đến Tiền Giang, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị tại vùng quê xinh đẹp này nhé.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ mang nét đặc trưng chung của các khu chợ nổi miền Tây là nằm ngay ngã 3 sông (nhánh sông Cái Răng và sông Hậu). Vị trí này có mực nước không sâu không cạn để thuyền bè dễ dàng neo đậu, di chuyển. Nơi này cũng nằm gần một ngôi chợ trên bờ và một vựa trái cây lớn.

Trong cuốn “Tự vị” tiếng nói miền Nam của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì nói khác. Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer là “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi để phục vụ trong việc chế biến món ăn, đặc biệt là họ bán rất nhiều tại khu vực sông nước Cần Thơ này. Do từ khó đọc mà lâu dần, người Việt đã phát âm của chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng. Sự phát âm này là do thói quen dùng từ theo ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày.

Chợ nổi bán trái cây “mùa nào thức ấy” (Ảnh: VnExpress)

Trước kia, chợ Cái Răng bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản và mỗi ghe chỉ chuyên bày bán một loại mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, hiện nay chợ đã bán đa dạng hơn như ẩm thực, các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống trên sông. 

Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6km, chợ nổi Cái Răng trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi tới Cần Thơ. Du khách có thể đi thuyền từ bến Ninh Kiều khoảng 30 – 45 phút.

Bạn có thể thuê xuồng máy nhỏ nếu đi một mình hoặc cặp đôi

Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Cái Răng tấp nập người mua kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h đến 10h sáng, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày.

Đến chợ nổi Cái Răng, du khách không chỉ thỏa mãn với những xuồng ghe đầy ắp trái cây, nông sản mà còn được thưởng thức nhiều loại dịch vụ ăn uống mang đậm chất Tây Đô như: hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi. Bạn cũng sẽ ấn tượng với cách tiếp thị độc đáo “treo gì bán nấy” của người dân nơi đây: treo những thứ cần bán lên một cái sào gọi là “cây bẹo” để du khách có thể nhìn thấy từ xa. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng mái chèo khua cùng cảm giác bồng bềnh nơi sông nước chắc chắn sẽ sẽ ghi dấu ấn trong lòng nhiều khách du lịch khi đến với Cái Răng, Cần Thơ.

“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng

Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn

Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng

Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ.”

Chợ nổi ngã Năm, Sóc Trăng

Chợ nổi Ngã Năm thuộc thị xã Ngã Năm, cách TP. Sóc Trăng khoảng 60 km là nơi ít đông du khách nhất trong 3 khu chợ mà Tourista đề cập đến. Tuy nhiên, đây là khu chợ nổi còn giữ được nét văn hóa dân dã, tự nhiên nhất của người địa phương.

Chợ thường họp từ 4 đến 5h sáng. Đông đúc nhất thường từ 6h đến 7h với cảnh hàng trăm ghe thuyền tụ họp, huyên náo cả bến sông. Sau 23 tháng Chạp hàng năm, chợ Ngã Năm hầu như họp từ sáng đến tối khiến không khí càng tấp nập hơn. 

Bình minh trên chợ nổi ngã Năm (Ảnh: VnExpress)

Chợ Ngã Năm là điểm trung chuyển hàng hóa của người dân các tỉnh. Hầu hết hoạt động buôn bán, sinh hoạt đều diễn ra trên ghe. Người đi chợ chỉ cần nhìn vào cây bẹo sẽ biết đâu là ghe bán mặt hàng họ cần. Những ghe chèo tay có thể cập mạn vào nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa ngay trên mặt nước.

Bạn nên đến đây vào sáng sớm, thưởng thức bữa sáng ngay trên ghe với các món đặc sản Sóc Trăng như bún nước lèo, bún riêu, bánh tằm cùng đồ uống gồm cà phê đà, trà đường, nước trái cây… và lênh đênh trên sông nước, ngắm nhìn hoạt động của người dân địa phương để hiểu thêm về văn hóa đặc trưng của vùng Ngã Năm này.

Nhớ thưởng thức một tô bún nước lèo Sóc Trăng nhé!

Ngày nay, giao thông đường bộ phát triển, thói quen tiêu dùng thay đổi, khiến những chợ nổi như Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Răng (Cần Thơ) hay Cái Bè (Tiền Giang)… không còn tấp nập sung túc như xưa. Tuy nhiên, việc buôn bán trên chợ nổi vẫn được duy trì để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách, để giữ lại nét chấm phá độc đáo mang thương hiệu của vùng sông nước Mekong trên bản đồ du lịch thế giới và nhân văn hơn cũng là để cho những “thương hồ” đã xem sông nước là nhà có thể giữ được cái nghề, cái nghiệp.

Leave a Reply